Chiều nào cũng vậy, khi hai mẹ con cùng vào bếp nấu cơm, chị Thành cũng dành thời gian để nói chuyện với con. Chỉ thủ thỉ nói chuyện một lúc là chị biết hết chuyện ở nhà, chuyện ở lớp, chuyện vui chơi, học hành của con. Chị biết hôm nay con vui hay buồn, có gì vướng mắc.
Thường thì chị chỉ lắng nghe, đôi khi chị hỏi lại “Vậy à con?”, nếu có chuyện vui thì chị cười cùng con, chuyện gì xảy ra ở lớp cần phê phán chị cũng chỉ nói nhẹ nhàng, vì chị biết khi kể chuyện với mẹ, con đã tỏ thái độ không đồng tình với những hành vi lệch chuẩn.Quan trọng hơn, chị nhận thấy thực ra con đã già dặn, biết đánh giá đúng sai, biết cân nhắc, suy nghĩ trước khi làm điều gì.
Câu chuyện của chị Thành là một ví dụ cho thấy việc trò chuyện cùng con hằng ngày là vô cùng cần thiết. Nó vừa giúp cha mẹ nắm bắt tình hình sinh hoạt, học tập của con hằng ngày, giúp cha mẹ hiểu rõ tâm tình của con, hiểu rõ từng bước trưởng thành của con, đồng thời kịp thời giúp con tháo gỡ những vướng mắc gặp phải.
Trò chuyện hằng ngày giúp cha mẹ trở thành bạn bè của con cái, tạo nên thói quen giao tiếp thân mật và gần gũi, để khi con bước vào những độ tuổi nhạy cảm như tuổi dậy thì, khi con chuyển cấp học, khi con có bạn khác giới, cha mẹ vẫn có thể chia sẻ và tư vấn cùng con.
Khi thường xuyên trò chuyện cùng con, cha mẹ cũng dễ dàng định hướng cho con cách suy nghĩ, cách xử sự đúng đắn, tránh những suy nghĩ lệch lạc hoặc hành vi lệch chuẩn. Làm cách này hiệu quả hơn hàng trăm lần khi con có sai lầm, cha mẹ mới giảng giải, giáo huấn, vì chẳng khác nào nước đổ lá khoai.
Việc trò chuyện cùng con hằng ngày phải bắt đầu từ rất sớm, tốt nhất là từ độ tuổi mầm non, khi con cái bắt đầu rời xa cha mẹ để khởi đầu một cuộc sống có hơi hướng tự lập. Khi bạn duy trì nó hằng ngày, việc trò chuyện cùng cha mẹ sẽ trở thành một thói quen của con. Việc đó có ý nghĩa quan trọng giúp cha mẹ luôn có thể đồng hành cùng con trong mọi chặng đường con lớn lên.
Khi thường xuyên trò chuyện cùng con, cha mẹ cũng dễ dàng định hướng cho con cách suy nghĩ, cách xử sự đúng đắn, tránh những suy nghĩ lệch lạc hoặc hành vi lệch chuẩn
Vậy, có những nguyên tắc nào cần tuân thủ khi trò chuyện cùng con?
Lắng nghe
Điều này là rất quan trọng. Không nên ngắt lời con khi con đang kể chuyện, cho dù bạn thấy con đã hành xử sai. Nếu bạn ngắt lời, con sẽ cảm thấy mất hứng, không muốn kể chuyện nữa. Thái độ lắng nghe chăm chú, và cách tỏ thái độ một cách thích hợp, chứng tỏ bạn đang rất quan tâm đến câu chuyện con kể, điều đó khuyến khích con chia sẻ thoải mái, không e dè.
Chia sẻ hai chiều
Bạn hoàn toàn có thể khiến con trở thành người biết lắng nghe và chia sẻ khi tâm tình với con chuyện của chính mình, những niềm vui nỗi buồn, những lo toan, những dự định trong công việc và cuộc sống gia đình. Đừng lo trẻ quá nhỏ, không hiểu được. Trái lại, con bạn trở thành người biết thông cảm, biết quan tâm, biết yêu thương hơn, và biết cách điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực.
Tạo sự tin cậy
Thái độ của cha mẹ khi trò chuyện với con là rất quan trọng. Cha mẹ cần cam kết và thực sự giữ đúng cam kết đối với những câu chuyện trẻ cho là bí mật. Trong bất kỳ vấn đề nào, cha mẹ cũng nên tỏ cho con thấy mình sẵn sàng hiểu được, thông cảm được, chia sẻ được với con.
Không chỉ trích
Bạn không nên đóng cương vị là một người phán xét, một người chuyên đưa ra những giáo huấn, mệnh lệnh hay lời phê phán. Thực ra ở độ tuổi nào, con cũng có khả năng đánh giá đúng/sai, nên/không nên. Hãy để con thoải mái bộc lộ chính kiến, cha mẹ chỉ nên góp ý, định hướng nhẹ nhàng, nếu con chưa tìm ra được cách giải quyết phù hợp cho vấn đề của mình.
Chọn cách diễn đạt phù hợp
Cha mẹ nên tránh những cách nói chỉ trích, phê phán hoặc áp đặt, kiểu như “Con làm như thế là sai rồi”; “Thấy chưa, mẹ đã nói rồi mà con không nghe”; “Con phải làm thế này cho bố…”. Cách nói đó khiến cho trẻ trở nên thụ động, thậm chí thấy mình nhỏ bé kém cỏi, đồng thời tạo nên tâm lý ức chế rất có hại. Nếu cách nói này được sử dụng thường xuyên, đồng nghĩa với việc cánh cửa tâm tư của con đã khép lại.
Cách diễn đạt nên là “Theo bố nghĩ, con nên nói…” hoặc “Con đã thử cách này chưa…”, “Mẹ nghĩ thế này con xem có được không nhé…”…Cách diễn đạt như vậy khiến con thấy mình được tôn trọng, và sẽ chủ động hơn trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề của mình.
Sẽ rất khó khăn, khi con gặp vấn đề cha mẹ mới nghĩ đến chuyện làm bạn với con. Thế nhưng chuyện đó trở nên đơn giản vô cùng, khi mỗi ngày bạn dành ra một chút thời gian để tâm sự, trò chuyện cùng con. Mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày một chút thôi, nhưng hiệu quả thì rất lớn. Hãy trở thành những người bạn tâm tình với con.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Văn bản mới
Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.
Ngày ban hành: 02/04/2024
Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS
Ngày ban hành: 12/06/2024
Thăm dò ý kiến